Khác với suy nghĩ của nhiều người, đi du học không hề dễ dàng và hào nhoáng. Những khó khăn khi đi du học thì có rất nhiều, và du học Nhật Bản không phải là một ngoại lệ.
1. Bất đồng về ngôn ngữ
Một trong những khó khăn đầu tiên mà các bạn du học sinh gặp phải là sự bất đồng về ngôn ngữ. Có những bạn đã có sự chuẩn bị khá đầy đủ về trình độ tiếng Nhật của bản thân trước khi xuất cảnh tuy nhiên khi đặt chân sang đất nước Nhật Bản vẫn sẽ gặp phải những khó khăn hay bỡ ngỡ bởi cách phát âm của người Nhật, cách sử dụng từ của họ,..Hay như việc các bạn có thể dễ dàng nghe hiểu khi các thầy cô giáo giảng bài tại trường tiếng nhưng lại không thể nghe hiểu những câu đơn giản tại nơi làm việc hay siêu thị,…Do vậy để có thể thích nghi với cuộc sống bên Nhật trong giai đoạn đầu khá khó khăn. Tuy nhiên những gian khổ, khó khăn trong cuộc sống sẽ giúp những viên đá thô là bản thân các bạn trở nên sáng bóng và trở thành những viên ngọc quý trong tương lai vì vậy dù khó khăn xin đừng từ bỏ!
2. Bất đồng về văn hóa
Nhìn chung Nhật Bản là một đất nước khá thoải mái về lối sống cá nhân vì vậy các bạn có thể thoải mái trong cách ăn mặc, đi lại hay tự do trong việc thể hiện cá tính của bản thân. Tuy nhiên sẽ có những nét văn hóa mà các bạn cần chú ý và tuân theo để tránh lạc lõng giữa đất nước bạn.
-
Văn hóa chào hỏi: khi đi sang Nhật các bạn phải luôn chú ý tới 3 câu: “ xin chào”, “cảm ơn” và “xin lỗi”. Việc các bạn nói xin chào với những người hàng xóm, những người bạn học cùng lớp, những đồng nghiệp nơi làm việc hay thậm chí những người xa lạ bạn vô tình gặp phải trên đường sẽ giúp bạn cảm thấy vui vẻ và xích lại mối quan hệ với nhau và biết đâu khi bạn gặp phải những khó khăn trong cuộc sống thì những lời “ xin chào” đơn giản hàng ngày sẽ giúp bạn vượt qua được. Lời cảm ơn chân thành mỗi khi nhận được sự giúp đỡ là một biểu hiện rằng bạn là một người lịch sự dù việc bạn nhận được sự giúp đỡ có nhỏ chăng nữa nhưng khi nhận được lời cảm ơn thì những người giúp bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và thoải mái khi giúp bạn. Vì vậy không chỉ mong chờ sự giúp đỡ từ người khác mà khi có thể các bạn hãy cố gắng giúp đỡ những người xung quanh để chính mình cũng nhận được những lời cảm ơn đó nhé!. Cuối cùng là lời “xin lỗi”, ở đây chúng ta không chỉ xin lỗi khi chúng ta mắc lỗi mà chúng ta nên xin lỗi ngay cả khi chúng ta đang làm phiền những người khác. Việc nói ra lời xin lỗi không hề dễ dàng tuy nhiên khi bạn nói ra lời “xin lỗi” sẽ giúp đối phương cảm thấy thoải mái hơn khi bạn biết nhận ra lỗi sai của bản thân và sẽ dễ dàng tha thứ cho bạn hơn.
-
Văn hóa xếp hàng: người Nhật có thói quen xếp hàng mọi lúc mọi nơi như khi chờ để đi lên thang cuốn, chờ mua hàng,...Đây không chỉ là nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản mà còn là nét văn hóa chung của rất nhiều nước trên thế giới vì vậy nếu không muốn mình “nổi bật” trước đám đông thì bạn hãy tuân thủ nhé!
-
Văn hóa trên tàu điện: có một điều mà các bạn du học sinh nên chú ý rằng người Nhật sống khá riêng tư vì vậy trên tàu điện và những nơi công cộng các bạn nên chú ý giữ gìn trật tự, không nói to, không nghe nhạc ồn ào để tránh làm phiền tới mọi người xung quanh. Ngoài ra khi lên tàu vào các giờ cao điểm các bạn nếu đứng ở gần cửa thì nên chú ý khi có người lên xuống tàu.
-
Phân loại rác: ở Nhật người dân rất chú trọng vấn đề này vì vậy các bạn khi mới sang nên tìm hiểu kỹ về cách phân loại của từng loại rác, lịch đổ rác ở khu vực mình sinh sống,.. để tránh xảy ra các tình huống khó xử nhé.
3. Đồ ăn không phù hợp
Mỗi một đất nước sẽ có những đặc trưng riêng về ẩm thực và gia vị của mình, vì vậy đối với một số bạn du học sinh khi mới bước sang đất nước Nhật Bản sẽ khó có thể ăn được các đồ ăn bên này. Điều đó sẽ khiến tình trạng sức khỏe của các bạn không tốt, vậy nên khi mới sang các bạn có thể mang theo một số gia vị khô của Việt Nam hoặc tìm mua một số đồ ăn của Việt Nam được bán bên này trước khi dần thích nghi được với các món ăn đặc sắc bên Nhật Bản nhé!